Kết thúc đăng ký account

Bắt đầu từ hôm nay, 21/5/2011, Ban điều hành (BĐH) đã đóng phần đăng ký (registration) để chuẩn bị cho bước 2 – ứng viên tự điền thông tin chi tiết (từ 22/05-05/06/2011).

Do các trường gửi hồ sơ về chậm nên việc cấp account cho các ứng viên bị chậm lại. Dự kiến hoàn tất việc cấp account cho các ứng viên trong ngày 22/05/2011. Riêng trường ĐH Y Dược sẽ được cấp muộn hơn, sau ngày 26/05/2011.

Username và password sẽ được gửi cho các ứng viên (đã nộp hồ sơ về BĐH) qua email trong những ngày tới.

Lưu ý các em sinh viên năm 1: Trong 3 cột điểm TB, các em sẽ dùng điểm TB (trên 6 môn) thi tốt nghiệp phổ thông cho cột điểm thứ nhất (TB HK1 năm học 2009-2010); Điểm TB của ba môn thi ĐH (khối A) cho cột thứ 2 (TB HK2 năm học 2009-2010) và điểm TB HK1 năm học  2010-2011 cho cột thứ 3.

Lưu ý các ứng viên Cao học và NCS: Khối CH và NCS sẽ bắt đầu điền thông tin muộn hơn khối ĐH và bắt đầu từ 25/05/2011.

BĐH.

Posted in 3. Các Thông Tin Khác | Comments Off on Kết thúc đăng ký account

[HB Vallet 2010] Khích lệ lòng hiếu học, yêu thương trẻ mồ côi

(Nhân Dân Điện Tử) (4/9/2010)

Với tấm lòng nhân ái bao la, chín năm qua (2001-2010), vào mùa khai trường, tổ chức khoa học Gặp gỡ Việt Nam đã trao 14.190 suất học bổng cho học sinh, sinh viên và nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc ở Việt Nam, với số tiền hơn 50 tỷ đồng…

Muốn tự tay mình trao từng suất học bổng

Chỉ riêng trong mùa khai trường năm học mới, 2010-2011, tổ chức khoa học Gặp gỡ Việt Nam, do GS Trần Thanh Vân làm Chủ tịch, đã trao 2.150 suất học bổng Vallet. Mỗi suất cho học sinh là 5 triệu đồng; cho sinh viên và nhà nghiên cứu trẻ là 7,5 triệu đồng. Đó là mức học bổng cao ở nước ta hiện nay. Tổng số tiền học bổng năm nay lên tới 12 tỷ đồng, tăng 25% so với năm ngoái.

Muốn được tự mình thân mật trao “số tiền ít ỏi”, “của ít lòng nhiều” ấy đến tận tay từng bạn trẻ, ông bà Trần Thanh Vân – Lê Kim Ngọc và GS Odon Vallet, vẫn như mọi năm, thực hiện một cuộc “hành trình xuyên Việt”. Năm nay, tham gia Đoàn trao học bổng Vallet, còn có ông Yves Sabouret, Chủ tịch Quỹ nước Pháp – quỹ nhân đạo phi chính phủ tập hợp hơn 300 nghìn thành viên tập thể và cá nhân, trong đó Quỹ học bổng Vallet là một trong ba thành viên lớn nhất.

Tôi may mắn được tham gia Đoàn trao học bổng trong suốt cuộc hành trình kéo dài nửa tháng, cùng với các thành viên khác như nhà giáo Lê Phỉ, thạc sĩ Bùi Trần Thảo Ly, anh sinh viên Đại học Bách khoa Paris Đinh Ngọc An (phiên dịch cho GS Odon Vallet)…

Bắt đầu bằng lễ trao học bổng tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 21-8-2010. Rồi bay lên trao học bổng trên thành phố cao nguyên Đà Lạt. Rồi đến trao học bổng tại Đà Nẵng, đô thị sôi động bên sông Hàn. Rồi ngồi xe buýt mi-ni chui hầm xuyên Hải Vân, ra Huế trao học bổng tại Duyệt Thị Đường trong Đại Nội; ra Đồng Hới trao học bổng cho học sinh ba tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh – nơi một thời là “túi bom Mỹ”. Rồi lượn vòng vèo vượt đèo Ngang ra Vinh, trao học bổng trên quê hương Bác Hồ…

Không chỉ các em người Kinh may mắn sống ở các đô thị lớn, mà cả các em người Khmer ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, người Cơ Tu, Ba Na trên Tây Nguyên hay người Mường, Thái, Tày, Dao, Mông ở Cao Bằng, Tuyên Quang, Điện Biên… cũng nhận được học bổng Vallet nếu học giỏi.

Kết thúc cuộc hành trình là lễ trao học bổng cho sinh viên và nhà nghiên cứu trẻ các tỉnh phía bắc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám sáng 3-9; rồi lễ trao học bổng cho học sinh trung học tại Nhà hát thành phố Hà Nội, chiều 5-9-2010.

Trước bức tượng đồng Chu Văn An, Tế tửu Quốc Tử Giám, bậc đại danh nho khí tiết ngất trời, mọi người cùng nhau ôn lại lời dạy của người xưa: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia…”.

 

GS Odon Vallet và GS Trần Thanh Vân trao học bổng
cho các em học sinh người dân tộc thiểu số
ở miền trung Trung Bộ năm học 2010-2011.

Nhớ buổi tối mừng sinh nhật Odon

Tôi còn nhớ tối 3-9 mấy năm về trước, cùng ông bà Trần đến thăm Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Thủy Xuân ở ngoại thành Huế, phía trên đàn Nam Giao, gần lăng Tự Đức.

GS Odon Vallet xiết bao cảm kích khi được biết mọi người ở đây, trước đó nhiều ngày, đã “bí mật” sửa soạn mừng sinh nhật ông!

Giữa mặt bàn trải khăn vải hoa, bày sẵn một chiếc bánh ga-tô lớn, hình tròn. Trên lớp kem trắng xốp, nổi bật dòng chữ màu nâu thẫm bằng sô-cô-la ghi ngày sinh của Odon. Các “mẹ” cùng bầy “con” quây quần quanh vị ân nhân đã góp tiền xây cất nên cái “xóm SOS” nhỏ xinh này, nằm gọn trong thung lũng xanh bên đường Lê Ngô Cát.

Giám đốc trung tâm, chị cử nhân ngữ văn Ngô Thị Thu Hồng, cùng các “con” tề tựu đông đủ.

Là người “cố kết” với Thủy Xuân từ những ngày đầu, “khi lửa mới nhen”, lúc nơi đây còn là một bãi hoang “gai góc mọc đầy”, tôi vui mừng gặp lại bao khuôn mặt thân yêu, mới ngày nào còn bé bỏng thơ ngây, nay đã lớn khôn chững chạc.

Em Bùi Văn Phố “gầy nhom”, vừa tốt nghiệp Hệ Cử nhân tài năng Đại học Quốc gia Hà Nội, ngành vật lý, đang chờ ngày lên đường sang Osaka, Nhật Bản, viết văn thạc sĩ, rồi luận án tiến sĩ.

Rồi em Hoàng Thị Anh Đào “lém lỉnh”, từ một học sinh năng khiếu chuyên văn, thi đỗ thủ khoa ngành Đông phương học, Đại học Khoa học Huế, và sau khi vào đại học, năm học nào cũng đứng đầu lớp, nói trôi chảy tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, biết chút ít tiếng Hàn Quốc và tiếng Pháp. Giỏi giang thế đấy!

Rồi em Lê Thị Thủy Băng “cao ráo” đoạt giải ba môn địa lý lớp 12 cấp tỉnh. Em Nguyễn Văn Bảo “mơ màng” đoạt giải nhất môn sinh vật lớp 9 cấp thành phố. Các em Phạm Hữu Nghĩa, Ngô Sinh Quyền, Lê Ngưng Pháp, Nguyễn Thị Thu Hiền, Hồ Thị Thiên, Nguyễn Văn Rôn, Mai Văn Triều… hiện đang học đại học. Còn em Hồ Thị Miêu “đen nhẻm” ngày nào còn bé tẹo, thì nay đã lấy chồng, có con, và đang làm việc tại siêu thị Big C. Nhanh quá chừng!

“Đi về này những lối này năm xưa”! Đúng vậy, từng lối nhỏ trong thung lũng này tôi đã “đi về” từ dạo ấy “năm xưa”, cách nay chẵn một thập niên, và bao lần quay trở lại, mà chưa lần nào cảm thấy lòng mình dửng dưng. Sao thế nhỉ?

Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ.

Mấy câu thơ ấy phải chăng đã đánh thức niềm trắc ẩn trong tôi, niềm trắc ẩn mà có lúc tưởng chừng đã ngủ say?…

Rượu sâm banh nổ lốp bốp, tung bọt trắng xanh. Rất kín đáo, ông bà Trần mang sẵn theo trong va-li từ Paris về Huế ba chai sâm-banh Pháp “xịn”, tinh chế từ giống nho quý vùng Champagne, để “bất ngờ” bật nút mừng sinh nhật người bạn Pháp “cố tri”. 59 ngọn nến cháy sáng, tượng trưng cho số tuổi của Odon năm ấy…

Trung tâm Thủy Xuân được tổ chức theo mô hình “làng SOS”, nhưng quy mô bé hơn, chỉ như một “xóm” nhỏ. Mỗi ngôi nhà là một mái ấm gia đình của riêng một “mẹ”, mười “con”. “Mẹ” là người phụ nữ tự nguyện dành cả cuộc đời mình chăm sóc những cháu bé mồ côi hoặc bị bỏ rơi ở bệnh viện hay trên hè phố ngay từ thuở lọt lòng! Những sinh linh bé bỏng đau buồn biết bao! Những phận người bất hạnh quá chừng!

Các “mẹ” ở Thủy Xuân còn trẻ lắm, tuổi mới trạc băm lăm, thế mà chấp nhận “ở vậy suốt đời” như một nữ tu! Cứ nghĩ thế là tôi lại cảm thấy chạnh lòng…

– Các bạn Việt Nam luôn cảm ơn tôi về việc trao học bổng và góp tiền nuôi dưỡng trẻ mồ côi – Odon nói. Nhưng, về phần tôi, tôi lại nghĩ những gì các bạn mang đến cho tôi lớn hơn nhiều những gì tôi mang đến cho các bạn. Sống bên các bạn, tôi cảm thấy lòng mình đỡ quạnh hiu…

Odon sống độc thân, không vợ con, ở trong một căn hộ xuềnh xoàng giữa Paris lộng lẫy. Hẳn là ông đã trải qua không ít giây phút u buổn?

Ông không hề sắm cho mình ô-tô riêng “đờ luých”, mà đến trường bằng tàu điện ngầm như một sinh viên nghèo. Trong căn hộ, trên bàn làm việc, đặt bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni vẻ mặt khoan hoà, từ ái. Trên tường, treo bức tranh sơn mài vẽ gác Khuê Văn trong nắng thu rực vàng giữa Văn Miếu Thăng Long…

“Hãy thương yêu người nghèo!”

Thời trẻ, Odon học Trường Quốc gia Hành chính ở Paris. Bạn bè cùng khóa về sau nhiều người làm “quan to”, như­ ông Laurent Fabius làm đến chức Thủ tư­ớng Pháp. Riêng Odon không mê mải lao vào “hoạn lộ” mà say sưa nghiên cứu. Đỗ tiến sĩ, ông vào dạy tại Đại học Sorbonne. Là chuyên gia về lịch sử tôn giáo – triết học, ông đọc kỹ Luận Ngữ của Khổng Tử và nhận thấy, sau bao năm náo loạn “cách mạng văn hóa” Trung Quốc đã đánh giá lại Khổng Tử công bằng hơn, coi đó là “nhà tư tưởng vĩ đại, nhà triết học vĩ đại, nhà giáo dục vĩ đại” không riêng của Trung Quốc.

Quả vậy, tư tưởng Nho gia về “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, “tứ hải giai huynh đệ” (bốn biển đều là anh em), “hòa nhi bất đồng” (hài hòa mà không đồng nhất)… vẫn còn gần gũi với nhân loại văn minh. Không “tu thân, tề gia” thì khó lòng “trị quốc”, nói chi đến việc mang lại thái bình trong thiên hạ. Đạo đức Nho gia nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, dũng, liêm, khoan dung, hòa ái; tiết tháo Nho gia “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo hèn không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục” vẫn là những giá trị nhân văn cao quý, đáng để cho “kẻ sĩ” thời nay ưu tư, suy ngẫm…

Để tìm hiểu nền văn minh Trung Hoa, ngoài việc đọc sách, Odon nhiều lần đi thực địa. Ông đặt chân khắp chốn, từ Bắc Kinh, Tây An, Lạc Dương, Thành Đô đến Thái Sơn, Khúc Phụ, Khai Phong, Vô Tích, Hàng Châu, Tô Châu, và cả Côn Minh, Lhasa…

– Sau nhiều lần thăm Khổng Miếu ở Bắc Kinh, Văn Miếu ở Hà Nội – ông nói – tôi nhận thấy: Từ chỗ chọn người cai trị đất nước theo huyết thống vương hầu đến chỗ mở trường đào tạo nghiêm túc, tổ chức thi tuyển công minh, để lựa chọn hiền tài, bất kể dòng họ xuất thân “cao sang hay hèn mọn”, là một bước tiến lớn theo hướng dân chủ. Người Âu – Mỹ thường tự hào về điều đó. Nhưng, thật ra, người Đông Á đi trước họ. Văn Miếu – Quốc Tử Giám của Việt Nam ra đời từ thế kỷ 11, trước nhiều trường đại học danh tiếng ở Âu – Mỹ như Đại học Sư phạm Paris, Đại học Bách khoa Paris, Đại học Oxford, Đại học Harvard…

Ồng bà Trần kể lại: Người cha của Odon thời trẻ rất nghèo, sáng cắp sách đến trường làng, chiều chăn dê trên sườn núi đá chênh vênh miền Bourgogne. Lớn lên, cụ lưu lạc tới Paris, vừa làm lao công, vừa theo học trung học, đại học. Chăm chỉ, thông minh, về sau, ông cụ đỗ tiến sĩ luật, rồi được mời làm tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị một hãng bảo hiểm lớn. Lúc qua đời, cụ để lại cho Odon 100 triệu euro (khoảng 2.400 tỷ đồng Việt Nam). Phút lâm chung, cụ trăng trối: “Này Odon! Con hãy thương yêu người nghèo! Trong đám người bất hạnh đó, có không ít những khối óc thông minh, trái tim nhân ái…”.

Odon không tiêu xài cho riêng mình một đồng xu nào từ số tiền cha để lại. Ông đem gửi ngân hàng tất cả, lấy lãi tặng học bổng.

Nhớ dạo này năm trước, vượt qua những cồn cát trắng xóa nắng chang chang, tôi theo đoàn trao học bổng đến thành phố mới bên Lũy Thầy xưa.

Nữ Giáo sư Lê Kim Ngọc cùng các em bé mồ côi
tại Làng Trẻ em SOS Đồng Hới, ngày 29-8-2010.

Buổi lễ diễn ra tại Nhà Văn hóa Đồng Hới. Nói chuyện với các thầy, cô và các em học sinh, Odon tâm sự:

– Bất chấp mọi biến cố dữ dội và đau thương, Việt Nam vẫn giữ được truyền thống hiếu học tự nghìn xưa, “học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện” (học không biết chán, dạy người không biết mệt). Trao học bổng cho các bạn trẻ học giỏi ở một đất nước còn nghèo như Việt Nam, tôi cảm thấy mình đang làm theo di huấn của phụ thân: “Hãy thương yêu người nghèo!”

Trầm ngâm giây lát, ông nói tiếp:

– Tôi thường tìm đọc các sách chuyên khảo về lịch sử – văn hóa Việt Nam. Tôi biết, người Mỹ đã từng giội xuống vùng quê nghèo của các bạn vô số trận mưa bom! Để bù đắp lại phần nào những đau thương, mất mát trong quá khứ, tôi nghĩ tất cả những ai có thiện tâm trên trái đất này hãy cùng nhau mang tới cho lớp trẻ ở đây những… “cơn mưa học bổng”, “mỗi hố bom, một học bổng”! Với khả năng tài chính có hạn của một cá nhân, số học bổng tôi trao chỉ mới như những hạt mưa lác đác đầu mùa!…

Odon ví số học bổng mình trao như những… “hạt mưa”, mặc dù mỗi “hạt” như thế đáng giá… năm, bảy triệu đồng!

Như trên đã nói, cùng tham gia Đoàn trao học bổng Vallet năm nay, còn có ông Yves Sabouret, Chủ tịch Quỹ nước Pháp. Lần đầu tiên đến thăm nước ta, ông có ấn tượng rất sâu đậm về triển vọng phát triển của dân tộc Việt Nam, qua thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết và giàu tài năng mà ông vừa tiếp xúc. Ông cho biết, mối quan hệ Việt – Pháp đã trải qua hơn 150 năm lịch sử, trong đó có nhiều trang đau buồn, nhưng ngày nay điều còn lại là tình hữư nghị và sự hợp tác với lòng chân thành tôn trọng lẫn nhau. Khi trở về Pháp, ông sẽ là một người nồng nhiệt ủng hộ tình hữu nghị Pháp – Việt, ủng hộ sự hợp tác ngày càng thiết thực và có hiệu quả giữa hai nước. Ông tỏ lòng ngưỡng mộ sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam được biểu hiện qua những gương mặt tươi sáng, thông minh, tin tưởng, yêu đời của các em học sinh, sinh viên và nhà nghiên cứu trẻ trên khắp đất nước tươi đẹp này.

Hàm Châu

Posted in 2. Báo chí | Comments Off on [HB Vallet 2010] Khích lệ lòng hiếu học, yêu thương trẻ mồ côi

[HB Vallet 2010] “Chúc các học sinh, sinh viên Việt Nam bước vào một năm học mới với mọi điều tốt đẹp”

(Gia Lai Online) (22/9/2010)

15.000 là số suất học bổng mà Giáo sư Odon Vallet đã dành cho học sinh, sinh viên xuất sắc của Việt Nam trong suốt 10 năm qua. Và mới đây, ông lại bay về Việt Nam để trao tận tay 2.200 suất học bổng Vallet năm 2010 cho các học sinh, sinh viên ưu tú trên khắp đất nước Việt Nam. Nhờ tấm lòng hảo tâm của Giáo sư, hàng ngàn học sinh, sinh viên Việt Nam, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn, có cơ hội để tiếp tục theo đuổi ước mơ đến trường của mình. Nhân dịp trở về lần này, Giáo sư Odon Vallet đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện cởi mở…

* Được thừa hưởng một gia tài lớn từ người cha, tuy nhiên Giáo sư đã chọn một cuộc sống giản dị và dành tất cả số tiền thừa kế để gửi ngân hàng rồi dùng số tiền lãi để phát học bổng cho những học sinh, sinh viên xuất sắc của Pháp và Việt Nam. Ông có thể cho biết vì sao ông lại chọn Việt Nam mà không phải một đất nước nào khác?

Vì Việt Nam là một nước có truyền thống hiếu học lâu đời. Ngay từ cách đây trên 900 năm, Việt Nam đã có Văn Miếu- Quốc Tử Giám nơi được xem là trường đại học đầu tiên của Việt  Nam- và đã tổ chức những kỳ thi tuyển chọn nhiều nhân tài cho đất nước.

Bố tôi từng là một người thợ rất nghèo nhưng với sự quyết tâm và ý chí vươn lên, ông đã xây dựng được sự nghiệp từ hai bàn tay trắng và trở thành chủ tịch hội đồng quản trị của một hãng bảo hiểm quốc tế. Ông đã trăn trối lại với tôi trước khi mất rằng: “Con hãy giúp và thương yêu người nghèo, vì trong số họ có rất nhiều người thông minh tài giỏi”. Tôi đã đem số tiền đó gửi vào ngân hàng, dùng số lãi hàng năm làm học bổng cho học sinh sinh viên nghèo vượt khó, những sinh viên xuất sắc ở Pháp và Việt Nam. Tôi mong rằng số tiền này sẽ động viên tinh thần và khích lệ các sinh viên nghèo học giỏi tiếp tục cố gắng học hành trở thành người có ích cho xã hội. Tôi thường nói với các em rằng, các em không phải cảm ơn tôi mà hãy cảm ơn bố mẹ và thầy giáo các em, người đã cho các bạn tri thức.

* Giáo sư đánh giá thế nào về học sinh, sinh viên Việt Nam?

Sinh viên, học sinh Việt Nam học nhìn chung học rất tốt, nhất là những môn khoa học tự nhiên, tuy nhiên về ngoại ngữ còn phải cải thiện nhiều. Gần đây, chất lượng giáo dục ở Việt Nam đã ngày càng tăng lên và tôi hy vọng Việt Nam sẽ luôn giữ được truyền thống hiếu học cũng như những bản sắc văn hóa truyền thống của mình; chính vì vậy mà tôi đã dành nhiều suất học bổng cho những sinh viên học môn âm nhạc dân tộc.

* Năm nào Giáo sư cũng  bay từ Pháp sang Việt Nam để trao học bổng Vallet cho những học sinh sinh viên xuất sắc, điều gì ở Việt Nam Giáo sư cảm thấy ấn tượng nhất?

Việt Nam là một nước đang phát triển rất mạnh trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Tôi muốn giúp các em học sinh để các em có thể tham gia vào quá trình xây dựng đất nước, phát triển kinh tế tại Việt Nam. Tôi không quên học sinh, sinh viên ở bất cứ thành phố hoặc tỉnh thành nào từ Cà Mau đến Cao Bằng và tôi đặc biệt quan tâm đến các em học sinh dân tộc thiểu số. Tôi đã trao học bổng trong 10 năm qua và sẽ tiếp tục trao nhiều suất học bổng nữa trong thời gian tới. Tôi muốn chúc các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam bước vào một năm học mới với mọi điều tốt đẹp.

* Giáo sư có thể kể về một kỷ niệm ở Việt Nam mà ông không thể nào quên?

Đó là lần tôi trao học bổng cho một sinh viên học tin học ở Huế. Em này bị liệt hai chân nhưng vô cùng nỗ lực trong học tập. Tôi rất cảm phục ý chí vươn lên của em đó…

* Xin cảm ơn Giáo sư Odon Vallet và cảm ơn những tình cảm tốt đẹp mà ông đã dành cho hàng ngàn học sinh, sinh viên Việt Nam.

Thanh Vân (thực hiện)

Posted in 2. Báo chí | Comments Off on [HB Vallet 2010] “Chúc các học sinh, sinh viên Việt Nam bước vào một năm học mới với mọi điều tốt đẹp”