Odon Vallet: Nhà học giả Pháp “trọng nghĩa, khinh tài”

(DVT.vn) – Vì sao một vị giáo sư Pháp, suốt mười năm qua, trao hàng chục nghìn suất học bổng cho các bạn trẻ Việt Nam hiếu học? Tôi gắng tìm câu trả lời…

HÀM CHÂU
Ngày khai trường năm học mới 2011 – 2012 đang tới gần. Tôi nhớ lại một mẩu chuyện xảy ra cách đây đã mười năm, cũng vào mùa khai trường, lúc trời chuyển sang thu, “sen tàn, cúc lại nở hoa”.
Mười năm! Phỏng theo cách nói trong các tiểu thuyết phương Tây, thì… “biết bao nhiêu nước đã chảy qua cầu”! Thế nhưng, mẩu chuyện kia, tôi vẫn còn nhớ rõ đến từng chi tiết nhỏ, như vừa mới xảy ra vào buổi chiều hôm qua! Vì sao vậy?
Bởi lẽ, qua mẩu chuyện ấy, tôi cảm thấy vững tin hơn ở cái đúng muôn đời của chân, thiện, mỹ; lạc quan hơn, vì trên thế giới hiện nay, không chỉ rặt những kẻ mới phất lăng xăng học làm sang, hay mấy tay vị kỷ cực đoan thiêu thân làm giàu bằng mọi giá, mà vẫn còn đó những tâm hồn cao thượng, vị tha, “trọng ý nghĩa, khinh tài”, không coi “tiền là tiên, là phật”! Tiền là một phương tiện giúp ta sống và làm việc có hiệu quả, song, đối với người trí thức, nó không bao giờ trở thành cứu cánh.
Khi còn khỏe, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiếp GS Trần Thanh Vân và GS Odon Vallet tại nhà riêng.
Mười năm về trước, chiều 3/9/2001, sau khi đến Trường THPT Hà Nội – Amsterdam trao học bổng cho 92 học sinh  xuất sắc ở Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, Nam Định, GS Odon Vallet trở về phòng mình trên tầng 11 khách sạn Horison, số 40 phố Cát Linh. Ông ngạc nhiên nhìn thấy giữa mặt bàn đã đặt sẵn một chiếc bánh ga-tô lớn, hình tròn, phía trên lớp kem trắng xốp có dòng chữ bằng sô-cô-la ghi ngày sinh của ông!
“Sao họ biết sinh nhật của mình nhỉ?” – ông tự hỏi. Và rồi ông tự trả lời: “Phải rồi, họ có thể xem hộ chiếu”.
Ông liền nhấc máy điện thoại gọi ngay ông bà Trần Thanh Vân và mấy anh em nhà báo chúng tôi – lúc bấy giờ cũng đang làm việc trong khách sạn ấy – cùng sang phòng ông chia vui sinh nhật.
– Các bạn Việt Nam, ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng như ở Hà Nội, đều cảm ơn tôi về việc trao học bổng cho những học sinh, sinh viên xuất sắc của đất nước các bạn. Nhưng, về phần tôi, tôi lại nghĩ những gì mà các bạn mang lại cho tôi còn lớn hơn nhiều những gì mà tôi mang đến cho các bạn! Tôi rất vui, rất hạnh phúc, đúng thế, cảm thấy lòng mình ấm áp, đỡ quạnh hiu…
Thế là em được nhận học bổng của “chú Odon”  rồi!
Odon sống độc thân, không vợ, không con, trong một căn hộ bình dân ở khu Jussieu giữa Paris lộng lẫy. Ông ăn mặc xuềnh xoàng, đi làm không phải bằng ô-tô hòm “đờ luých”, mà là bằng xe điện ngầm, xe buýt, chen chúc trong đám sinh viên, thợ thuyền.
Trên bàn làm việc, ông đặt một bức tượng Đức Phật Thích Ca vẻ mặt từ bi siêu thoát. Trên tường, treo bức tranh sơn mài vẽ gác Khuê Văn dưới ánh nắng thu vàng, bên giếng Thiên Quang, và mấy hàng bia tiến sĩ đời Lê trong Văn Miếu Hà Nội.
GS Trần Thanh Vân và GS Odon Vallet tặng học bổng cho những học sinh giỏi miền núi.
Thời trẻ, Odon học Trường Quốc gia Hành chính ở Paris. Bạn bè cùng khoá, về sau, hầu hết trở thành chính khách, quan chức cao cấp, như ông Laurant Fabius làm đến chức Thủ tướng Pháp. Riêng Odon, lại thích nghiên cứu khoa học xã hội hơn “làm quan” hay “làm giàu”. Vào Đại học Sorbonne, ông trở thành tiến sĩ, giáo sư. Là nhà nghiên cứu lịch sử tôn giáo và triết học, ông đọc kỹ Luận Ngữ của Khổng Tử, Đạo Đức Kinh của Lão Tử, Mạnh Tử của Mạnh Kha, Nam Hoa Kinh của Trang Chu… Ông đánh giá cao những nhà tư tưởng phương Đông cổ đại lỗi lạc ấy.
Qua từng thời kỳ, thái độ của từng nhà cầm quyền Trung Quốc đối với Việt Nam có thể ấm lạnh thất thường! Nhưng nhân dân Trung Quốc vẫn là người bạn của nhân dân Việt Nam. Và văn minh Trung Hoa cùng với văn minh Ấn Độ vẫn là hai nền văn minh cổ đại lớn nhất phương Đông, đóng vai trò như văn minh Hy Lạp, La Mã ở Âu – Mỹ.
Để tìm hiểu đến tận ngọn nguồn nền văn minh Trung Hoa cổ đại, nhà Đông phương học Odon Vallet nhiều lần cất công đến Bắc Kinh, vốn là một đô thành sầm uất từ thời Chiến Quốc, với cái tên cũ Yên Kinh. Ông cũng tới Tây An (tức Tràng An), chốn thượng kinh của Trung Quốc đời Hán – Đường; tới Lạc Dương, Thành Đô, Thái Sơn, Khúc Phụ, Khai Phong, Thành Đô; thăm Hàng Châu, Vô Tích, Tô Châu,  những nơi còn lưu giữ biết bao dấu vết tự nghìn xưa của mảnh đất Trung Nguyên, Xích Huyện, Hoa Hạ, Thần Châu…
Các em học sinh giỏi bậc tiểu học thành phố Đồng Hới mừng ngày sinh GS Odon Vallet.

Rồi ông đi máy bay lên tận Lhasa, thủ phủ Tây Tạng, tìm hiểu cuộc sống diệu vợi của các vị lạt-ma trên “nóc nhà thế giới” và nét đặc sắc kỳ bí của nhánh Mật tông trong Phật giáo. Tới Nepal, Ấn Độ, Sri Lanka, Nhật Bản, v.v., ông nghiên cứu các tông phái Phật giáo Tiểu thừa và Đại thừa hay còn gọi là Nam tông hay Bắc tông. Sang Iran, Indonesia, Malaysia, v.v., ông khảo sát đạo Hồi. Đến Luang Prabang, ông làm quen với các sư sãi người Lào khoác áo cà sa vàng. Sang Tây Ninh, ông thân mật chuyện trò với các vị đại đức Cao Đài – một tôn giáo kỳ lạ, thờ phụng cả Nguyễn Bỉnh Khiêm, Victor Hugo, Tôn Trung Sơn.

GS Odon Vallet cảm thấy đỡ quạnh hiu khi sống giữa lòng bao trẻ nhỏ Việt Nam.
– Tôi nhiều lần đến thăm Khổng Miếu ở Bắc Kinh, Văn Miếu ở Hà Nội và nhận thấy hai công trình văn hóa – lịch sử ấy có nhiều nét tương đồng. Từ chỗ chọn người quản lý đất nước theo huyết thống vương hầu đến chỗ mở trường đào tạo nghiêm túc, tổ chức thi tuyển công minh để lựa chọn hiền tài, “nguyên khí của quốc gia”, bất kể dòng dõi xuất thân “cao sang hay hèn mọn”, đó là một bước tiến nhảy vọt theo hướng dân chủ. Người châu Âu thường tự hào về điều đó. Nhưng, thực ra, người Đông Á đi trước họ. Văn Miếu – Quốc Tử Giám của Việt Nam được xây dựng từ thế kỷ 11, trước nhiều trường đại học danh tiếng ở Âu – Mỹ như École Normale Supérieure, École Polytechnique ở Pháp, Oxford, Cambridge ở Anh, Harvard, MIT, Princeton, Stanford ở Mỹ… Ngay cả về “kỹ thuật thi cử” như rọc phách, hai giám khảo cùng chấm một bài thi, thì người phương Tây cũng học được từ các nước Đông Á đấy… Tôi cảm thấy vui vì mình đang làm một việc có ích, đúng hướng, là giúp đỡ những học sinh, sinh viên giỏi ở một đất nước còn nghèo nhưng có truyền thống khoa bảng cả nghìn năm…
Ngừng một lát, Odon nói thêm:
– Mặc dù trải qua biết bao biến cố dữ dội và đau buồn, Việt Nam vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp của nền khoa bảng Khổng giáo, “học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện” (lời Khổng Tử có nghĩa: Học không biết chán, dạy người không biết mỏi).
Những học viên ngành ca trù được tặng học bổng Vallet biểu diễn chào mừng GS Odon Vallet.
GS Trần Thanh Vân kể: Ông cụ thân sinh của Odon Vallet là Jean Vallet thời trẻ rất nghèo, sáng đi bộ đến trường tiểu học ở làng quê, chiều đi làm thuê chăn cừu trên đồng cỏ lạnh buốt, hay chăn dê bên sườn núi đá chênh vênh trong vùng Bourgogne. Khi lớn lên, Jean lưu lạc tới Paris, vừa làm lao công, vừa theo học trung học, rồi đại học. Nhờ chăm chỉ, thông minh, Jean Vallet thi đỗ tiến sĩ luật khoa, trở thành tổng giám đốc, rồi chủ tịch hội đồng quản trị một hãng bảo hiểm quốc tế lớn. Lúc qua đời, cụ để lại toàn bộ gia sản trị giá 100 triệu euro cho Odon với lời trăng trối: “Này Odon! Con hãy thương yêu lấy người nghèo! Trong đám người bất hạnh đó có không ít khối óc thông minh, trái tim nhân hậu…”
Từ đấy Odon không dám tiêu xài một đồng tiền nào cho riêng mình từ cái gia tài đồ sộ do người cha để lại. Ông đem tất cả gửi ngân hàng, hằng năm lấy lãi, tặng học bổng cho học sinh, sinh viên Pháp và Việt Nam.
– Khi tặng học bổng cho những bạn trẻ ở một đất nước nghèo mà hiếu học như Việt Nam, tôi cảm thấy mình đang làm theo di huấn của cha tôi, “giữ tròn đạo hiếu”, như lời dạy của bậc thánh hiền phương Đông…
Năm 2011, kỷ niệm 10 năm trao học bổng Vallet, số học bổng lên tới 2.250 suất  với tổng số tiền là 15 tỷ đồng; trong  đó số học bổng dành cho học sinh là 600 suất, số học bổng dành cho sinh viên và nhà nghiên cứu trẻ là 650 suất. Mỗi suất cho học sinh trị giá 6 triệu đồng, mỗi suất cho sinh viên và nhà nghiên cứu trẻ 9 triệu đồng, số tiền đủ để mua một chiếc máy tính cá nhân.
Tác giả bài báo chụp ảnh lưu niệm với một số nữ sinh Mường được tặng học bổng Vallet.
– Tại sao tôi không dành số tiền ấy – Odon nói – để trao học bổng cho học sinh các n¬ước khác? Chính là vì, qua nhiều năm quen biết ông bà Giáo sư Trần Thanh Vân, tôi cảm thấy hiểu, thấy yêu đất nước Việt Nam, đất nước đã phải chịu biết bao hy sinh mất mát. Là một nhà giáo, tôi có nhiều học trò thuộc nhiều quốc tịch. Thế nhưng, tôi vẫn yêu các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam hơn cả. Bởi vì đó là những bạn trẻ có đức hạnh, có ý chí, có tài năng. Truyền thống “tiên học lễ, hậu học văn” của văn hoá phương Đông đã hun đúc nên những bạn trẻ thông minh mà hiền dịu khiến cho tôi rung cảm. Tôi “thiên vị” Việt Nam theo trái tim mách bảo…
Huế, ngày 22/8/2011
H. C.
This entry was posted in 2. Báo chí. Bookmark the permalink.