Trao học bổng Vallet cho học sinh, sinh viên Thừa Thiên – Huế

Sau khi trao học bổng Vallet tại TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Đà Nẵng, đoàn đại diện Hội Gặp gỡ Việt Nam đến Huế, trao học bổng trong Cấm Thành xưa.

Sáng 25/8/2011, tại Duyệt Thị Đường, nơi xưa kia các Hoàng đế triều Nguyễn cùng đám vương tôn, công tử xem biểu diễn nghệ thuật, nằm sâu trong Cấm Thành Huế, đã diễn ra lễ trao học bổng Vallet cho 237 bạn trẻ tỉnh Thừa Thiên – Huế, bao gồm:  135 học sinh trung học, 102 sinh viên đại học và học viên cao học có thành tích học tập và nghiên cứu xuất sắc.
Ngay trước cừa Hiển Nhơn, lối vào Cấm Thành Huế, và dọc theo những con đường rợp bóng cây xanh dẫn tới Duyệt Thị Đường, Ban Tổ chức đã cho căng những tấm băng-rôn nền đỏ chữ vàng chào mừng lễ trao học bổng Vallet năm học 2011-2012.
Biểu ngữ chào mừng lễ trao học bổng Vallet trên những nẻo đường rợp bóng cây của Cấm Thành.
Duyệt Thị Đường mới được trùng tu, sơn son thếp vàng, lộng lẫy hình rồng, phượng. Đến dự buổi lễ có nhiều vị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế và thành phố Huế, các thầy giáo, cô giáo, cùng đông đảo học sinh, sinh viên các trường trung học và đại học ở địa phương. Về phía Hội Gặp gỡ Việt Nam, có GS Trần Thanh Vân, GS Lê Kim Ngọc, GS Odon Vallet và một số nhà khoa học Pháp.
Khai mạc buổi lễ, thầy giáo Đỗ Trinh Huệ, Trưởng Ban điều phối toàn quốc học bổng Vallet, cho biết: Trong vòng 10 năm 2001 – 2011, Hội Gặp gỡ Việt Nam đã trao tặng 16 nghìn 762 suất học bổng Vallet, với tổng số tiền 63 tỷ 187 triệu 200 nghìn đồng.
Biểu diễn nghệ thuật trong Duyệt Thị Đường (chú ý đọc ba chữ Hán phía trên).
Năm đầu tiên 2001, chỉ mới trao 320 suất học bổng Vallet. Năm 2011, tăng lên tới 2.250 suất. Năm 2001, trị giá mỗi suất học bổng cho học sinh là 2 triệu đồng, cho sinh viên là 3 triệu đồng. Năm 2011, mỗi suất học bổng cho học sinh tăng lên tới mức 6 triệu đồng, cho sinh viên 9 triệu đồng. Trước mỗi kỳ trao học bổng, GS Odon Vallet đều hỏi cho thật rõ giá từng ki-lô-gam gạo, số tiền sinh viên phải bỏ ra thuê phòng trọ, tiền học phí, v.v. để tính mức học bổng sao cho theo sát tình hình lạm phát ở Việt Nam.
Riêng đối với tỉnh Thừa Thiên – Huế, ngoài hàng nghìn suất học bổng Vallet đã tặng, tổ chức Gặp gỡ Việt Nam còn tài trợ cho 8 sinh viên theo học tại Trường Kỹ sư thung lũng sông Loire (Pháp). Kết quả học tập của các em rất khả quan: Năm nào cũng có 1 em sinh viên Huế lọt vào nhóm 10 sinh viên giỏi nhất trường này.
GS Odon Vallet và GS Lê Kim Ngọc (người thứ nhất bên phải) cùng các em sinh viên được trao học bổng.
Thư viện Vallet ở Trường Quốc học Huế hiện có 3.000 tên sách, 12.327 bản sách với tổng số tiền 510 triệu đồng. Thư viện Trường THPT Hai Bà Trưng có 1.321
tên sách, 6.202 bản sách với tổng số tiền 330 triệu đồng. Các tên sách ở hai thư viện này đều do thầy, cô và học sinh nhà trường đề nghị cần mua, do đó, có tác dụng thiết thực đối với việc dạy và học; chứ hoàn toàn không do cấp trên áp đặt.
GS Trần Thanh Vân và GS Odon Vallet trao học bổng.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, kể lại một kỷ niệm: Trong lần sang Pháp gần đây, ông có ghé thăm nhà riêng GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc (bà Trần Thanh Vân). Khi bước xuống tầng hầm, ông cảm động nhìn thấy những xấp thiếp Giáng sinh còn sót lại, loại thiếp mà ông bà Trần đã đứng bán bên nhà thờ Đức Bà Paris để gom từng đồng tiền lãi, xây dựng Làng Trẻ em SOS ở Đồng Hới và Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân ở Huế.
GS Trần Thanh Vân cho biết: Thời trẻ, ông đã từng theo học tại Trường trung học Pellerin bên bờ sông Hương, trước khi sang Pháp du học. Đối với ông, Huế là nơi lưu dấu bao kỷ niệm êm đềm của tuổi thanh xuân.
Chị cử nhân ngữ văn Ngô Thu Hồng, giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân và nghiên cứu sinh Hoàng Thị Anh Đào, 22 tuổi (trái), có mặt trong buổi lễ trao học bổng Vallet.
GS Odon Vallet cho rằng Huế là một trong mấy thành phố đẹp nhất châu Á, và ai đã từng đến Huế một lần đều “muốn quay trở lại nghìn lần”! Riêng ông, đã trở lại Huế mấy chục lần rồi, và sẽ còn trở lại vào năm 2012 với nhiều suất học bổng mới.
Buổi lễ trao học bổng diễn trang trọng mà thân mật, chan chứa tình người.
Bài và ảnh: Đông Hoa
This entry was posted in 2. Báo chí. Bookmark the permalink.